Các lỗi sai gây mất điểm Task Response trong IELTS Writing Task 2

thuha

77 lượt xem

30/10/24

Task Response trong IELTS Writing Task 2 là một tiêu chí đánh giá quan trọng, chiếm 25% tổng số điểm của bài viết. Tiêu chí này đánh giá mức độ hoàn chỉnh và chính xác trong việc trả lời câu hỏi được đưa ra. Cụ thể, Task Response xem xét các yếu tố sau:

  1. Trả lời đầy đủ yêu cầu đề bài: Người viết cần hiểu rõ yêu cầu của đề và trả lời trực tiếp câu hỏi, tránh lạc đề. Điều này bao gồm việc xác định đúng dạng câu hỏi (ví dụ: discuss both views, agree or disagree, cause-solution, …) và giải quyết đầy đủ các phần của câu hỏi.
  2. Triển khai ý tưởng rõ ràng: Người viết phải phát triển các ý tưởng của mình một cách mạch lạc, logic và chi tiết. Mỗi đoạn văn phải có một luận điểm chính, được hỗ trợ bởi các ý phụ, ví dụ hoặc bằng chứng cụ thể.
  3. Cung cấp ví dụ và bằng chứng: Để làm rõ và minh chứng cho các lập luận của mình, người viết cần sử dụng các ví dụ phù hợp và bằng chứng cụ thể. Điều này sẽ giúp bài viết thuyết phục hơn.
  4. Độ dài bài viết: Đảm bảo rằng bài viết có độ dài từ 250 từ trở lên. Việc viết ít hơn 250 từ sẽ bị trừ điểm.
  5. Tính nhất quán trong quan điểm: Nếu câu hỏi yêu cầu người viết đưa ra quan điểm cá nhân, thì quan điểm này phải rõ ràng và nhất quán trong suốt bài viết.

Vậy người học IELTS Writing thường mắc những lỗi gì ở phần điểm này? Và các lỗi này ảnh hưởng tới điểm số ra sao?

1. Quan điểm không rõ ràng

Band Descriptor của Task Response, Band 7:

Chiếu theo Band 7 của Task Response, người viết cần cung cấp “a clear position” – tức một quan điểm rõ ràng cho câu hỏi của đề bài đưa ra. Ví dụ, nếu đề bài hỏi: “To what extent do you agree or disagree?”, người viết cần nêu rõ mình đồng ý hay không đồng ý, và tới mức độ nào.

Ví dụ: “I completely agree with this idea given the benefits it has on …”

Đôi khi, người học thường mải mê trình bày ideas của mình mà quên đi việc nêu quan điểm, hoặc có nêu nhưng viết theo xu hướng “ba phải”, khiến người chấm không thể xác định chiều hướng mà người viết ủng hộ.

Ví dụ: “Although the former is beneficial to some extent, I also believe that the latter view has some significant advanges”

Ở câu này, người viết đã trình bày rằng cả 2 phía của vấn đề đều có lợi ích của nó, nhưng phía nào họ ủng hộ thì chưa rõ ràng. Điều này sẽ khiến band điểm Task Response bị trừ rất nặng, bởi người chấm sẽ cần đọc bài kỹ hơn để xác định quan điểm đó là gì. 

Ngoài ra, đôi khi người viết nêu quan điểm một kiểu ở mở bài, rồi lại đổi sang quan điểm khác không đồng nhất ở kết bài – việc này cũng ảnh hưởng tới “clarity” của quan điểm.

2. Phát triển ý tưởng chưa tốt

Đây là phần quan trọng nhất để có được một bài viết với Task Response cao, bởi nó phản ánh cách người viết tư duy và cũng là yếu tố quyết định trả lời câu hỏi của đề bài. Ở phần này có các nhiều lỗi khác nhau, tuy nhiên IELTS Lab sẽ chỉ ra một vài lỗi phổ biến và dễ mắc nhất ở phần lớn các học viên.

3. Câu explanation phát triển chưa đủ ý

Sau khi nêu ra được ideas và side ở câu topic, người viết thường bắt tay ngay vào việc giải thích idea này ra, trình bày cách nó xảy ra, và hướng nó đến kết quả mà mình muốn.

Tuy nhiên, một lỗi đặc biệt phổ biến ở phần này mà người học hay mắc đó là việc giải thích ý “chưa tới”.

Ví dụ, khi người viết phân tích việc cấm ô tô trong nội thành có thể bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhiều học viên có xu hướng explain như sau:

“As cars are prohibited from city centers, the amount of carbon emissions will likely drop, which will lead to a reduction in air pollution.”

Đây là một câu giải thích thiếu ý, bởi sau khi trình bày các diễn biến của sự việc, người viết cũng chưa chỉ ra được là người dân sẽ được hưởng lợi về mặt sức khỏe như thế nào. Câu giải thích nhìn qua có vẻ logic và tốt, nhưng thực tế chưa hoàn thành được nhiệm vụ của nó.

4. Câu ví dụ không bổ trợ cho câu Explain

Như đã nêu ở điều số 3 của Task Response, người viết cần trình bày một ví dụ để đưa được dẫn chứng cho lập luận của mình, từ đó đảm bảo được tính thuyết phục của luận điểm.

Tuy nhiên, đây cũng là phần mà nhiều học viên mắc lỗi nhất, cụ thể là xoay quanh việc ví dụ không bám sát được nội dung câu giải thích hoặc thiếu cụ thể.

Ví dụ với câu Explanation sau:

“As cars are prohibited from city centers, the amount of carbon emissions will likely drop, which will lead to a reduction in air pollution and by extension any respiratory diseases”

Câu ví dụ đi sau:

“The government enacted a no-car policy in central cities in 2017, which subsequently led to a marked drop in harmful emissions in the city center in the following year. Ultimately, air pollution has been diminished, and the city welcomed an increasing number of tourists next year due to the better environment”.

Câu này có 2 lỗi lớn:

  • Ví dụ thiếu cụ thể (over-generalise in band 7): Hiện tượng trong câu này xảy ra ở đâu, với ai, đều chưa thực sự rõ ràng, người đọc không thể coi đây là một “real-life example”.
  • Ví dụ không bám sát câu giải thích (lack of focus in band 7): Câu giải thích nêu ra là việc cấm ô tô giúp giảm khí thải, từ đó giảm ô nhiễm và giảm bệnh tật, nhưng ví dụ lại lệch hướng sang việc có môi trường tốt hơn và từ đó có thêm nhiều “tourists”. Việc này tuy có thể đúng về mặt thực tế, nhưng lại không liên quan gì tới vấn đề cần chứng minh trong đoạn. 

Để sửa lại, chúng ta sẽ cần viết một ví dụ sát với nội dung câu giải thích, và thay đổi các ý cho cụ thể hơn, thật hơn.

  • “The Chinese government enacted a no-car policy in central Beijing in 2017, which subsequently led to a marked drop in harmful emissions in the city center in the following year. Ultimately, reports on air pollution index and by extension cases of respiratory diseases have also witnessed a significant fall as a result of this new policy”

5. Câu kết luận không “conclude” được ý của đoạn văn

Lỗi này tương tự như lỗi mắc ở câu Example phía trên, khi người viết đưa một câu kết không kết luận được vấn đề của đoạn, hoặc kết luận lạc sang một vấn đề khác.

Ví dụ về câu văn mắc những lỗi sai này:

  • “Consequently, banning car in city centers can be beneficial.” (kết quả về tốt cho sức khỏe chưa được nêu ra)
  • “As a result, the country’s economy can thrive better since the tourism industry will flourish.” (kết luận chệch hướng)

Nhìn chung, để đạt được band điểm cao đối với Task Response, người học cần làm được những việc sau:

  1. Trình bày quan điểm rõ ràng, nhất quán
  2. Trình bày các ideas phù hợp, chính xác với quan điểm đó
  3. Phân tích, phát triển các ý tưởng một cách đầy đủ, rõ ràng, chính xác
  4. Viết đủ 250 chữ

Việc không hoàn thành bất kỳ yếu tố nào trong 4 yếu tố trên hoàn toàn có thể dẫn tới việc điểm Task Response bị trừ và hạ xuống Band 4-5, ngay cả khi người viết có khả năng sử dụng từ vựng, ngữ pháp ở Band 7-8.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog liên quan