Cách làm dạng bài nghe Matching Information – IELTS Listening

thuha

311 lượt xem

28/03/24

Matching hay nối thông tin là một trong những dạng bài thường gặp và trọng yếu trong bài thi IELTS Listening. Trong bài viết này, IELTS Lab sẽ chia sẻ một cách tổng quan về hình thức, yêu cầu của dạng bài Matching cũng như đưa ra một số định hướng, cách tiếp cận khoa học để người học có thể chủ động luyện tập và hoàn thành tốt dạng bài này.

1. Tổng quan dạng bài Matching – IELTS Listening

Dạng bài Matching – Nối thông tin thường xuất hiện ở Part 2 và 3 với các chủ đề đa dạng từ cuộc sống hàng ngày đến bối cảnh học thuật và khoa học hơn. 

Dạng câu hỏi này bao gồm hai nhóm thông tin:

  • Các câu hỏi (được đánh theo số thứ tự câu hỏi)
  • Các phương án trả lời (được đánh theo chữ cái A, B, C, …)

Thí sinh cần nghe và nối thông tin A, B, C, … với các câu hỏi dựa theo nội dung từ đoạn ghi âm. Đáp án cần điền vào phiếu trả lời sau cùng sẽ là các chữ cái A, B, C, … tương ứng với các câu hỏi.

Dạng câu hỏi Matching thường sẽ xuất hiện dưới hai hình thức sau:

1.1. Dạng thức 1 (thường xuất hiện ở Part 2)

Ở dạng thức đầu tiên, đề bài sẽ cung cấp một danh sách các đối tượng khác nhau (chính là các câu hỏi) và các phương án trả lời là một danh sách các đặc trưng hay thông tin liên quan đến các đối tượng trên. Thí sinh sẽ nghe và xác định đâu là đặc trưng hay thông tin liên quan đến từng đối tượng tương ứng.

Thông tin trong đoạn ghi âm sẽ xuất hiện theo thứ tự được đánh số của các đối tượng. Các phương án sẽ không tuân theo trật tự này. Mỗi phương án sẽ chỉ được sử dụng một lần đối với dạng bài này.

1.2. Dạng thức 2 (thường xuất hiện ở Part 3)

Ở dạng thức thứ hai thường xuất hiện ở Part 3, mang bối cảnh nội dung học thuật và khoa học hơn. Vì vậy, các câu hỏi (được đánh số) sẽ thường là một danh sách các chủ đề về học thuật (ví dụ: tên các tác phẩm, sự kiện, …) hoặc là các phần khác nhau trong một bài trình bày. Các phương án trả lời (được đánh chữ A, B, C, …) sẽ thường là một danh sách các đặc trưng hay thông tin liên quan đến các đối tượng nếu trên. 

Thí sinh cần nghe đoạn ghi âm và xác định đâu là đặc trưng cụ thể hay thông tin liên quan đến đối tượng tương ứng. Đối với dạng thức này của Matching, thí sinh có thể dùng một phương án A, B, C, … nhiều hơn một lần cho các câu hỏi. Tuy nhiên, thí sinh cần đọc kỹ đề để xác định chắc chắn có thể dùng 1 phương án nhiều lần hay không.

2. Các bước làm dạng bài Matching trong IELTS Listening

Hãy cùng IELTS Lab điểm qua các bước tiếp cận khoa học nhất cho dạng bài này thông qua một ví dụ minh họa sau. 

2.1. Trước khi nghe 

Trước khi nghe, thí sinh cần:

  • Đọc kỹ câu hỏi và các phương án để hiểu rõ sự liên kết và mối liên quan giữa hai danh sách này.
  • Gạch chân các từ khóa ở cả câu hỏi và các phương án.
  • Dự đoán paraphrase của các từ khóa.
  • Lưu ý về trình tự đề cập các câu hỏi được đánh số.

Ở ví dụ trên, ta cần xác định được rằng đây các câu hỏi Matching ở dạng thức 1, xuất hiện ở Part 2, nội dung thông tin xoay quanh chủ đề thông dụng. Các câu hỏi là các đồ vật. Các phương án trả lời là vị trí của chúng, vì vậy từ khóa cần gạch chân là giới từ thể hiện vị trí và đồ vật được tham chiếu. Các phương án chỉ được dùng 1 lần duy nhất. Các paraphrase có thể xuất hiện trong đoạn ghi âm sẽ là những cách diễn đạt khác nhau của các từ chỉ vị trí đồ đạc. 

2.2. Trong khi nghe

Trong quá trình nghe, thí sinh cần:

  • Ghi chú (take note) những nội dung liên quan đến các câu hỏi.
  • Nghe paraphrase và nhanh chóng so sánh paraphrase với các phương án
  • Nghe và gạch bỏ các phương án gây nhiễu.
  • Nghe và nối đáp án đúng, gạch đáp án đúng của câu trước để tránh làm nhiễu thông tin cho câu sau.

Ghi chú trong quá trình nghe được đặc biệt khuyến trong dạng bài này vì đáp án đúng có thể là sự tổng hợp các thông tin nhỏ, cụ thể hay được suy luận từ các thông tin gây nhiễu. Chính vì vậy, ghi chú lại các thông tin liên quan giúp thí sinh có các bằng chứng để chọn đáp án đúng dễ dàng hơn.

2.3. Sau khi nghe

Sau khi nghe, thí sinh sẽ có 30 giây để kiểm tra lại câu trả lời cho các phần. Với khoảng thời gian này, thí sinh cần kiểm tra lại các câu trả lời dựa vào ghi chú của bản thân. Bước kiểm tra lại là đặc biệt quan trọng đối với dạng bài này vì thí sinh sẽ thường phân vân giữa hai đáp án cho một câu hỏi. 

3. Những điều cần lưu ý khi làm bài Matching

Trong quá trình làm bài, thí sinh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Luôn luôn đọc câu hỏi trước: Hãy đảm bảo rằng bạn luôn dành thời gian trước bài nghe để đọc trước các câu hỏi của đề bài. Điều này giúp bạn có sự chủ động trong quá trình nghe và dễ dàng theo dõi tiến trình của bài nghe hơn.
  • Chú ý yêu cầu đề bài: Cần đọc kỹ yêu cầu đề bài để xác định xem các phương án có được dùng nhiều hơn một lần cho một câu hỏi không.
  • Luôn để ý các từ đồng nghĩa: Hãy có sự chuẩn bị để nghe hiểu được các từ đồng nghĩa của các keywords đã gạch chân. 
  • Làm theo thứ tự: Các câu hỏi trong bài thi IELTS Listening sẽ được sắp xếp theo thứ tự xuất hiện thông tin trong đoạn ghi âm. Vì vậy hãy làm theo thứ tự để không lỡ bất kì cây hỏi nào. Tuy nhiên, các phương án sẽ không được nhắc đến theo thứ tự xuất hiện trong đoạn ghi âm.
  • Chú ý các từ/ cụm từ nối: Những từ nối “but, however, although, so” có thể thay đổi ý của câu. Hãy chú ý lắng nghe những dấu hiệu chuyển ý để hiểu rõ thông điệp của bài nghe.
  • Dùng phương pháp loại trừ: Các phương án sẽ đều được đề cập đến trong đoạn ghi âm thông qua các paraphrase khác nhau. Vì vậy, trong quá trình nghe, khi nghe đến phần thông tin của phương án nào, thí sinh cần so sánh, xác định đúng/ sai của phương án và gạch bỏ khi nghe được phương án sai. 
  • Ghi chú trong quá trình nghe: Trong quá trình nghe, hãy ghi chú lại những từ có liên quan đến thông tin cần điền vào chỗ trống. Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra lại đáp án dễ dàng hơn. Ghi chú đặc biệt quan trọng trong quá trình làm bài Multiple Choice vì nội dung chứa đáp án thường yêu cầu sự tổng hợp về ý nghĩa của các thông tin được trình bày trong bài nghe. Vì vậy việc ghi chú trong quá trình nghe sẽ giúp thí sinh dễ dàng kiểm tra lại đáp án sau khi hoàn thành bài nghe.
  • Bỏ qua và quay lại: Nếu không thể tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi, hãy bỏ qua nó và quay lại sau khi đã hoàn thành các câu khác. Có thể sử dụng những ghi chú bên trên để giúp tìm được đáp án phù hợp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog liên quan