Trong quá trình làm bài thi IELTS Listening, nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc nghe tách các âm tiết, từ vựng trong đoạn ghi âm, dẫn đến việc kỹ năng nghe hiểu, nghe lấy thông tin chi tiết yếu. Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ việc người học chưa nhận diện được các hiện tương ngữ âm trong Connected Speech của người bản xứ.
Connected speech là hiện tượng người bản xứ nói tiếng Anh theo một chuỗi liên tục. Khi nói, các từ được nối với nhau theo nhiều hiện tượng ngữ âm khác nhau, khiến cho âm thanh của các từ thoát ra khác với khi các từ được phát âm một mình.
Trong bài viết này, IELTS Lab sẽ giới thiệu về một số hiện tượng ngữ âm trong Connected speech và hướng dẫn cách áp dụng những hiện tượng này trong việc nghe hiểu và khắc phục một số lỗi sai trong quá trình làm bài thi IELTS Listening.
Catenation (Nối phụ âm với nguyên âm)
Catenation hay Nối âm (Linking sounds) là hiện tượng khi phụ âm cuối của một từ được nối với nguyên âm đầu của từ tiếp theo. Hiện tượng này khiến cho 2 từ đứng cạnh nhau được phát âm thành 1 từ, hoặc từ đứng sau được phát âm như có phụ âm đầu.
Ví dụ:
- I want this orange. 🡪 thi sorange
- This afternoon 🡪 thi safternoon
- Cats or dogs? 🡪 Ca tsor dogs?
- An apple 🡪 a napple
Intrusion (Nối nguyên âm với nguyên âm – Chêm âm)
Khi một từ kết thúc bằng một nguyên âm và từ tiếp theo cũng bắt đầu bằng một nguyên âm, người bản xứ thường có thói quen nối hai nguyên âm này với nhau bằng cách thêm một trong ba âm sau /w/, /r/ hoặc /j/.
Ví dụ:
- Tuna oil 🡪 Tuna roil (thêm âm /r/)
- Do it 🡪 Do wit (thêm âm /w/)
- I agree 🡪 I jagree (thêm âm /j/)
Elision (Nuốt âm)
Nếu một từ kết thúc bằng một phụ âm và từ tiếp theo bắt đầu bằng một phụ âm có phát âm tương tự, phụ âm trước đó sẽ không được phát âm. Hiện tượng nuốt âm hay xảy ra với hai phụ âm /t/ và /d/.
Ví dụ:
- Next door 🡪 nexdoor
- Dad takes 🡪 Datakes
Assimilation (Đồng hóa âm)
Gần giống với hiện tượng Elision là hiện tượng Assimilation (đồng hóa âm). Đồng hóa âm là khi phụ âm cuối của từ phía trước và phụ âm đầu của từ phía sau được phát âm thành một âm mới. Các âm thường được đồng hóa là:
- /t/ và /j/, tạo thành âm /ʧ/. Ví dụ: don’t you 🡪 donʧu; meet you — meeʧu
- /d/ và /j/, tạo thành âm /ʤ/. Ví dụ: did you 🡪 diʤu; would you — wuʤu
- Want to 🡪 wanna
- Going to 🡪 gonna
Geminates (Nối âm theo cặp)
Khi phụ âm cuối của từ này và phụ âm đầu của từ kia giống nhau, hai từ sẽ được nối lại với nhau bằng cách chỉ phát âm phụ âm đó một lần.
Ví dụ:
- social life 🡪 socialife
- pet turtle 🡪 peturtle
Áp dụng Connected Speech trong IELTS Listening
Người học cần nhận thức về các hiện tượng ngữ âm trên để có thể phân biệt được 2 từ được đề cập đến trong quá trình nghe. Hiện tượng này đặc biệt hữu dụng trong quá trình làm bài điền từ, trong đó, từ cần điền có thể có “s,es”, dẫn đến việc nối âm từ phụ âm /s/ hoặc /z/ với nguyên âm của từ phía sau. Người học cần để ý đến việc nối âm này để có thể xác định các âm đã bị biến đổi trong quá trình nối âm, đồng hóa âm hay nuốt âm dựa vào các âm vị lân cận.
Như vậy, bài viết đã giới thiệu tới bạn đọc một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả nghe hiểu trong Connected Speech, đồng thời gợi ý cách áp dụng giúp cải thiện kỹ năng Listening của người học. Nắm chắc kiến thức về các hiện tượng ngữ âm kết hợp với chiến thuật luyện tập hợp lý sẽ là chìa khóa giúp người học nâng cao hiệu quả nghe hiểu nói riêng và kỹ năng nghe tiếng Anh nói chung.
Trả lời