Dictation (Nghe chép chính tả) là một trong những phương pháp truyền thống, vẫn được sử dụng rộng rãi bởi nhiều nhà giáo dục để cải thiện khả năng nghe hiểu của học sinh. Ở bài viết này, IELTS Lab sẽ giới thiệu cho người học một cách sơ lược nhất về kỹ thuật Dictation và cách để áp dụng Dictation trong việc cải thiện khả năng nghe-hiểu trong bài thi IELTS Listening.
Dictation là gì?
Theo Syakur (2020), dictation là một quá trình giải mã và mã hóa lại thông tin thu nhận được, thể hiện năng lực dự đoán ngữ pháp dựa vào ngữ cảnh của người học. Nói cách khác, trong quá trình nghe và chép chính tả, người học phải áp dụng được cả kiến thức ngôn ngữ và kiến thức thực tế vào việc dự đoán những đặc điểm cú pháp, ngữ dụng và ngữ nghĩa để xây dựng lại đoạn thông tin vừa nghe theo đúng trình tự xuất hiện. Ở dạng đơn giản nhất, nghe chép chính tả yêu cầu người học nghe và lưu trữ thông tin trong bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory), và sau đó viết lại những gì họ nghe được sao cho chính xác nhất.
Nghe chép chính tả thường được các giáo viên ngoại ngữ sử dụng như một hình thức luyện tập nghe hiểu ở trên lớp. Tuy nhiên, mức độ hữu dụng của phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo viên triển khai và xây dựng các hoạt động dictation. Mặc dù dictation đã được chứng minh là cải thiện khả năng ghi nhớ ngắn hạn và có tác dụng trong việc luyện tập ngữ pháp và đánh vần, nhiều học sinh vẫn gặp khó khăn trong việc nghe chép chính tả vì khả năng nghe hiểu, nghe tách âm vẫn còn yếu. Một trong những giải pháp để hỗ trợ người học trong việc luyện tập Dictation chính là Partial Dictation hay Clued Dictation (Syakur, 2020).
Lợi ích của Partial Dictation/ Clued Dictation
Partial Dictation (nghe chép chính tả một phần) hay Clued Dictation (nghe chép chính tả có gợi ý) là khi người học được cung cấp một văn bản viết chưa hoàn chỉnh và phải điền các từ còn thiếu trong khi nghe văn bản. Sử dụng Partial Dictation giúp người học tập trung vào những phần còn thiếu, giúp họ theo dõi văn bản dễ dàng hơn và / hoặc nắm được các điểm chính của nó.
Partial Dictation mang lại nhiều lợi ích đối với khả năng nghe hiểu của người học. Một trong số đó là cải thiện các lỗi về mặt chính tả và ngữ pháp trong các dạng bài điền từ như:
- Viết thiếu “s” hoặc “es” trong danh từ đếm được số nhiều.
- Viết thiếu “s” trong danh từ thể hiện sự sở hữu.
- Viết thiếu “s” hoặc “es” trong động từ chia thì hiện tại đơn ngôi thứ ba số ít.
- Viết thiếu “ed” cho động từ thường theo quy tắc chia ở thì quá khứ đơn, các thì hoàn thành hoặc câu bị động.
- Lỗi chính tả hay mắc phải. Ví dụ như: receive/ receive; government/ government, …)
Ngoài ra, người học có thể rút ra được các lỗi sai mà mình thường gặp phải, ví dụ như chia động từ, loại từ, cấu trúc câu… và chú ý khắc phục chúng ở những lần nghe sau.
Bên cạnh đó, nghe chép chính tả cũng giúp thí sinh phát triển trí nhớ ngắn hạn của mình, cho phép thí sinh giữ lại thông tin các mệnh đề hoặc các câu trước khi chép lại chúng. Đây là kĩ năng rất quan trọng trong IELTS Listening, đặc biệt là ở dạng bài Multiple Choice hay Matching, nơi yêu cầu thí sinh phải lắp ghép nhiều nội dung để chọn được câu trả lời chính xác.
Dictation cũng đặc biệt hữu dụng trong việc tự học của thí sinh. Rất nhiều nền tảng trực tuyến hiện nay đã cung cấp tính năng Dictation cho các audio của IELTS hay các video phổ biến trên Youtube để giúp người học chủ động trong quá trình học tập và ôn luyện tại nhà.
Cách luyện tập phương pháp Partial Dication
1. Tìm nguồn nghe
Người học nên chọn lựa những nguồn nghe phù hợp với trình độ và mục tiêu luyện tập của bản thân để việc luyện tập đạt được hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu IELTS Listening 4.0 | Mục tiêu IELTS Listening 5.0 | Mục tiêu IELTS Listening 6.5+ |
+ IELTS Listening Part 1 (Daily Dictation) |
+ IELTS Listening Part 1, 2. (Daily Dictation) + Sách: Listening Practice Through Dictation 1, 2, 3, 4 |
+ IELTS Listening Part 3, 4 + TEDxTalk |
Ngoài các nguồn nghe gợi ý trên, người học hoàn toàn có thể luyện nghe và chép chính tả với các nguồn không liên quan đến IELTS như các kênh sáng tạo nội dung trên Youtube hoặc Tiktok. Người học có thể chọn nguồn nghe có transcript rồi xóa các danh từ, tính từ quan trọng rồi nghe và chép chính tả.
2. Thực hành Partial Dictation
Khi luyện nghe và chép chính tả, người học có thể dừng lại sau mỗi từ cần điền để có thời gian điền từ, nếu chưa nghe được có thể tua lại nhiều ngay ở câu đó.
Với những bạn ở trình độ cao hơn, có thể nghe liên tục với tốc độ bình thường, vừa nghe vừa điền từ. Nếu chỗ nào không điền được thì dừng và tua lại chỗ đó. Chỉ nên tua lại 1-2 lần, không nên lạm dụng.
Khi đã ở một trình độ nhất định, người học được khuyến khích nghe hết cả bài trong một lượt, nghe với tốc độ bình thường và không dừng lại. Đối với những câu nghe không rõ, nên cố gắng đoán ý của người nói dựa vào ngữ cảnh và thông tin đã nghe được từ trước. Có thể nghe lại lần 2 sau khi đã nghe hết bài.
Kết luận
Như vậy, phương pháp Dictation hay Partial Dictation là một phương pháp hữu hiệu trong việc cải thiện, nâng cao khả năng nghe hiểu của người học tiếng Anh. Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp này để nghe được hết các từ được nhắc đến vì bài thi IELTS Listening vẫn tập trung vào việc nghe-hiểu thông tin và trả lời các câu hỏi. Vì vậy, người học cần ưu tiên cho việc nghe-hiểu, lấy nội dung chính và phối hợp phương pháp này với các phương pháp khác như Shadowing, Note-taking để có thể tối đa hóa hiệu quả luyện nghe của mình.
Tài liệu tham khảo:
Syakur, Abd. (2020). Improving the eighth grade students’ listening comprehension achievement by using dictation techniques. Konfrontasi: Jurnal Kultural, Ekonomi Dan Perubahan Sosial, 7(3), 205–216. https://doi.org/10.33258/konfrontasi2.v7i3.116
Trả lời