Note-taking là kỹ thuật ghi chép lại thông tin trong quá trình nghe. Kỹ thuật này hoàn toàn không còn xa lạ đối với người học ở bậc đại học đến cao học và đặc biệt hữu dụng trong quá trình nghe, ghi chép bài giảng, ghi chép các nội dung quan trọng trong các cuộc họp.
Note-taking đã chứng minh được sự hiệu quả trong quá trình làm một số dạng bài nghe đòi hỏi phản có sự tổng hợp thông tin nghe được và nghe chắt lọc thông tin chi tiết. Tuy nhiên, Note-taking không đơn thuần là chép chính tả lại nội dung ta nghe được. Trên thực tế, note-taking chỉ có ích khi sự ghi chép của người nghe là có hê thống.
Trong bài viết này, IELTS Lab sẽ giới thiệu tới người học cách áp dụng kỹ thuật Note-taking vào dạng bài Multiple Choice, thường xuất hiện trong phần 3 của bài thi IELTS Listening.
Một số khó khăn của người học khi Take note:
- Không take note kịp do tốc độ audio nói quá nhanh, dẫn tới việc để lỡ nhiều thông tin trong quá trình Take note, không đem lại hiệu quả thực tiễn.
- Không biết cần Take note nội dung gì.
- Tốc độ nghe hiểu chậm, dẫn đến việc tốc độ take note chậm, bỏ lỡ nhiều thông tin phía sau.
Tại sao cần Take note trong dạng bài Multiple Choice – IELTS Listening Part 3?
Dạng bài Multiple Choice là một dạng bài thường xuyên xuất hiện trong IELTS Listening Part 3, và đã gây ra nhiều khó khăn cho các thí sinh khi gặp phải dạng đề này. Một số vấn đề các thí sinh hay mắc phải khi gặp dạng bài Multiple Choice:
- Part 3 thường là cuộc hội thoại giữa 2-3 người cùng thảo luận về một vấn đề nên thí sinh dễ bị phân tâm, không phân biệt được người nào đang nói.
- Tốc độ nói của Part 3 thường khá nhanh, các hiện tượng ngữ âm của Connected Speech diễn ra nhiều như nuốt âm, nối âm, chêm âm, đồng hóa âm. Cấu trúc ngữ pháp của phần này thường khá phức tạp và nhiều từ vựng chuyên ngành.
- Câu hỏi và các phương án lựa chọn thường dài, trong khi đó thời gian đọc trước bài không nhiều. Thí sinh thường phải đọc câu hỏi và phương án trong quá trình nghe nên dễ bỏ lỡ đáp án hoặc không nghe ra được vị trí chứa đáp án, dẫn đến việc không nghe được thông tin cần điền.
Chính vì những khó khăn trên, việc ghi chép lại nội dung đoạn hội thoại một cách khoa học và hệ thống sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trả lời các câu hỏi dạng này do sẽ rất khó để thí sinh có thể trả lời luôn câu hỏi trong quá trình nghe.
Ưu – nhược điểm của phương pháp Note-taking
Ưu điểm:
- Chỉ cần xử lý thông tin nghe và ghi chép lại nội dung quan trọng. Không cần chia sự tập trung sang việc đọc câu hỏi và suy luận đáp án.
- Thí sinh dù không nghe rõ từng từ nhưng vẫn có khả năng chọn được đáp án đúng cao do đã có sự nghe hiểu được nội dung chính.
Nhược điểm:
- Cần dành nhiều thời gian để luyện tập và thuần thục kĩ năng này trước khi đạt được hiệu quả mong muốn. Nếu chưa nắm vững kỹ năng này, thí sinh sẽ không có đủ thời gian để chọn đáp án và phân tích câu hỏi của phần tiếp theo.
- Phương pháp này chỉ phù hợp với hình thức thi giấy.
Chính vì vậy, phương pháp này chỉ phù hợp với những người học đã làm quen với phương pháp Note-taking và còn nhiều thời gian chuẩn bị và ôn luyện trước kỳ thi.
Các bước take-note trong quá trình làm bài Multiple Choice – IELTS Listening
Bước 1: Đọc câu hỏi và gạch chân keyword
Đây là một bước quan trọng để xác định thành phần thông tin cần được Take notes. Thí sinh sẽ chỉ Take notes những thông tin liên quan đến câu hỏi đang được hỏi. Những phần thông tin khác trong bài đoạn ghi âm có thể được ghi lại nếu có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với câu hỏi đang được đề cập.
Nếu còn thời gian, thí sinh có thể đọc và gạch chân keyword trong các phương án. Tuy nhiên, thường thí sinh sẽ không có thời gian để đọc hết câu hỏi và các phương án vì dạng này bài ở Part 3 thường sẽ rất dài. Vì vậy, thí sinh sẽ ưu tiên đọc các câu hỏi trước, còn thời gian sẽ quay lại đọc các phương án và gạch chân keywords.
Bước 2: Nghe và Take note những từ mang nghĩa (content word) có liên quan đến câu hỏi
Ý nghĩa của việc Take note là để giúp thí sinh không bị phân tâm giữa nội dung được nghe và giữa những đáp án, nên không nhìn vào đáp án lúc nghe. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần nắm được keywords của câu hỏi để có thể bám theo flow của bài nghe.
Những loại từ cần take note bao gồm danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, hay nói cách khác là những từ mang nghĩa. Tuy nhiên những từ này phải có mối liên hệ trực tiếp với câu hỏi. Có thể paraphrase từ nghe được thành các từ đơn giản hơn để giảm thiểu thời gian take note.
Bước 3: Trả lời luôn các câu hỏi nếu có thể
Một số câu hỏi sẽ dễ trả lời hơn các câu khác và hoàn toàn có thể được trả lời trong quá trình nghe. Thí sinh có thể trả lời luôn các câu hỏi này và đối chiếu lại với note sau.
Bước 4: Đối chiếu phần note và các phương án để đưa ra đáp án cuối cùng
Sau khi nghe xong, thí sinh sẽ có 30s (half a minute) để check lại phần nghe vừa rồi, và với phương pháp Note-taking, thì đây là thời gian để thí sinh đối chiếu giữa phần note được và các options (lựa chọn) để đưa ra đáp án phù hợp → đây là phần thí sinh cần tập trung để đưa ra lựa chọn chính xác.
Người học cần luyện tập nhiều kỹ năng Note-taking ở nhà với các nguồn nghe khác nhau, ưu tiên các nguồn nghe IELTS để việc áp dụng vào bài tập được nhuần nhuyễn hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật làm bài này chỉ giúp chúng ta ở một mức độ nào đó. Người học nên áp dụng kỹ thuật này với các phương pháp nghe khác để luyện tập tại nhà, và ưu tiên cải thiện năng lực nghe-hiểu của bản thân.
Trả lời