Những lầm tưởng thường gặp về điểm số 6.5 – 7.0 IELTS

thuha

28 lượt xem

25/09/24

“Học sinh đạt IELTS 7.0 nhưng kiểm tra trên lớp chỉ được 4-5 điểm”

“Mẹ ngỡ ngàng khi con trai 6.5 IELTS chỉ được 6 điểm thi học kỳ tiếng Anh”

Đây là những tiêu đề bài báo phản ánh việc những học sinh với chứng chỉ IELTS 6.5, thậm chí 7.0, lại chỉ đạt điểm trung bình cho những bài kiểm tra tiếng Anh trên lớp. Đây là mức điểm được nhiều người coi là “khá tốt” và “cần thiết” cho nhiều mục tiêu như du học, xin việc, hay định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu rõ về ý nghĩa và giá trị thực sự của mức điểm này. Khả năng sử dụng ngôn ngữ có tương đồng với việc đạt điểm số cao trong kì thi chứng chỉ IELTS? Hãy cùng IELTS Lab khám phá những lầm tưởng phổ biến và sự thật đằng sau con số này.

Lầm tưởng 1: 6.5 – 7.0 là đủ để du học ở các quốc gia nói tiếng Anh

Không thể phủ nhận rằng điểm số IELTS từ 6.5 đến 7.0 là ngưỡng đủ để đáp ứng yêu cầu nhập học của các trường đại học và cao đẳng ở các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Canada, hay Úc. Tuy nhiên, thực tế là yêu cầu về điểm số IELTS của các trường học rất đa dạng và việc có thể học tốt ở các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

  • Yêu cầu của từng trường và từng chương trình học

Mỗi trường đại học, đặc biệt là những trường danh tiếng hoặc những chương trình học chuyên sâu, thường có yêu cầu về điểm số IELTS cao hơn so với mức trung bình.

Chương trình đại học: Đối với các chương trình cử nhân ở các trường đại học bình thường, điểm IELTS 6.5 có thể là đủ, nhưng ở những trường danh tiếng hoặc chương trình có yêu cầu học thuật cao, họ có thể yêu cầu điểm số từ 7.0 đến 7.5. Ví dụ, để theo học chương trình cử nhân về Y khoa hoặc Luật tại Đại học Oxford hoặc Cambridge – Vương Quốc Anh, người học được yêu cầu đạt điểm IELTS ít nhất là 7.5 hoặc cao hơn ở một số kỹ năng cụ thể như Writing hoặc Speaking.

Chương trình sau đại học: Với các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ, yêu cầu về điểm IELTS thậm chí còn cao hơn. Những chương trình này thường đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ chuyên sâu để có thể tham gia vào các hoạt động học thuật như nghiên cứu và viết luận văn. Một số chương trình thạc sĩ về Khoa học xã hội hoặc Kinh tế tại các trường như LSE (London School of Economics) có thể yêu cầu điểm IELTS tối thiểu là 7.0 với điều kiện không có kỹ năng nào dưới 6.5.

  • Điểm số không đồng đều giữa các kỹ năng

Một điểm số trung bình như 6.5 hoặc 7.0 có thể che giấu sự không đồng đều giữa 4 kỹ năng. Để đạt band 7.0, người học có thể đạt kỹ năng Listening và Reading ở mức cao như 8.0, nhưng các kỹ năng Writing và Speaking có thể chỉ đạt ở mức 6.0. Một số trường yêu cầu điểm số tối thiểu ở mỗi kỹ năng, và việc có một kỹ năng dưới ngưỡng yêu cầu có thể dẫn đến việc bị từ chối nhập học, dù điểm trung bình đạt yêu cầu. Hơn thế, một khi đã đáp ứng được yêu cầu nhập học, với điểm số 6.0 hoặc 6.5 cho kỹ năng Speaking hoặc Writing, người học cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu các bài giảng ở mức độ đại học và sau đại học khi mà ngôn ngữ chuyên ngành được sử dụng ở mức độ cao và các bài giảng được truyền tải ở tốc độ nói tự nhiên của người bản địa. 

  • Yêu cầu đặc thù của ngành học

Mỗi ngành học có những yêu cầu ngôn ngữ khác nhau. Những ngành yêu cầu nhiều về khả năng viết luận hoặc nghiên cứu như Luật, Xã hội học, hay Ngôn ngữ học thường đòi hỏi nhiều hơn ở kỹ năng Writing. Ngược lại, các ngành về Khoa học tự nhiên hoặc Kỹ thuật có thể chú trọng hơn vào kỹ năng Reading và Listening. Một sinh viên ngành Luật muốn theo học tại Harvard Law School có thể cần đạt điểm IELTS 7.5 với yêu cầu Writing ít nhất là 7.0, vì đây là kỹ năng cần thiết để hiểu và phân tích các văn bản pháp luật cũng như viết các bài luận chuyên sâu với lượng ngữ pháp và từ vựng đa dạng, phong phú hơn yêu cầu của đề IELTS.

Lầm Tưởng 2: Điểm 6.5 và 7.0 IELTS là đủ để sinh sống và làm việc ở môi trường quốc tế

Việc thí sinh đạt điểm số 6.5 và 7.0 với các kỹ năng không đồng đều, đặc biệt là yếu điểm ở những kỹ năng sản sinh ngôn ngữ như Writing và Speaking khiến cho việc sinh sống và làm việc ở các quốc gia nói tiếng Anh trở nên khó khăn hơn nhiều người nghĩ. Một số khó khăn mà những người học ngoại ngữ có thể gặp phải khi muốn du học hoặc làm việc ở môi trường tiếng Anh có thể kể đến như sau:

  • Giao tiếp hàng ngày và thích nghi với cuộc sống

Cuộc sống hàng ngày ở nước ngoài không chỉ đòi hỏi khả năng sử dụng ngôn ngữ trong công việc mà còn trong giao tiếp xã hội, như khi mua sắm, giao tiếp với mọi người, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng. 

Mức điểm 6.5 và 7.0 là một điểm số phân tách tương đối rõ ràng giữa người học ở mức độ thành thục cao hơn (từ 7.5 đến 9.0) với người học ở mức độ thành thục khá. Vì vậy, ở các tình huống phức tạp hoặc không quen thuộc, đặc biệt là khi ngôn ngữ của người bản địa mang tính vùng miền, du học sinh hoặc người đi làm hoàn toàn có thể gặp khó khăn trong giao tiếp. Ví dụ, trong trường hợp cần giải quyết các vấn đề phức tạp như sửa chữa nhà cửa, xử lý các thủ tục pháp lý ở các quốc gia khác, nơi mà ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp khác biệt, người học với điểm số 6.5 và 7.0 chưa chắc đã có đủ năng lực ngôn ngữ về cả mặt đọc hiểu và giao tiếp để giải quyết các vấn đề này.

  • Khả năng viết và đọc các tài liệu chuyên sâu

Khi đi du học và cả khi làm việc ở nước ngoài, nhiều môn học và công việc yêu cầu ta phải đọc và viết các tài liệu chuyên ngành, hoặc soạn các báo cáo, hợp đồng chuyên môn. Điều này đòi hỏi không chỉ khả năng ngôn ngữ tốt mà còn cả sự chính xác và cẩn thận trong việc sử dụng từ ngữ và ngữ pháp. 

Để làm tốt điều này, người học cần đạt ít nhất là band 7.0 cho kỹ năng Writing, thậm chí là 7.5 để mức độ kiểm soát ngữ pháp, khả năng sử dụng từ vựng học thuật đạt đến mức độ cho phép. Với các chuyên ngành khó hoặc các công việc chuyên môn hóa cao, việc học thêm về từ vựng chuyên ngành ngoài chứng chỉ IELTS trở nên đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, người học cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt là kiến thức về chuyên ngành mình học và làm việc để có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong học tập và làm việc.

Lầm tưởng 3: Điểm số 6.5 – 7.0 phản ánh đúng khả năng tiếng Anh và không cần cải thiện thêm nếu đạt được mức điểm này

Khi đạt được điểm số 6.5 – 7.0 trong bài thi IELTS, nhiều người có xu hướng nghĩ rằng điểm số đã này phản ánh chính xác khả năng tiếng Anh của họ tại thời điểm đó và cho rằng không cần phải tiếp tục cải thiện thêm nữa. Tuy nhiên, đây là một lầm tưởng phổ biến mà nhiều người mắc phải. Điều này có thể dẫn đến việc người học dừng lại quá sớm trên hành trình học ngoại ngữ.

  • Điểm số IELTS có thực sự phản ánh khả năng tiếng Anh hiện tại không?

Mặc dù điểm số IELTS là một thước đo hữu ích để đánh giá kỹ năng tiếng Anh của thí sinh, nó không hoàn toàn phản ánh toàn bộ khả năng ngôn ngữ của họ. Kết quả của bài thi có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

Áp lực thi cử: Một số thí sinh có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực trong ngày thi, dẫn đến việc không thể thể hiện tốt nhất khả năng của mình. Ví dụ, lo lắng trong phần Speaking có thể làm giảm điểm số, mặc dù người học đã có thể giao tiếp tự tin trong các tình huống đời thực.

May mắn: Các dạng bài và chủ điểm thi IELTS có thể không phù hợp với điểm mạnh của một số thí sinh. Chẳng hạn, phần Reading có thể bao gồm các chủ đề mà thí sinh không quen thuộc, làm giảm khả năng đạt điểm cao, mặc dù họ có thể thể hiện tốt hơn trong việc đọc hiểu các tài liệu khác.

Kỹ năng làm bài thi: Một số thí sinh có thể có vốn từ vựng và ngữ pháp tốt nhưng thiếu kỹ năng thi cử. Điều này có thể dẫn đến việc quản lý thời gian kém hoặc không hiểu rõ yêu cầu của câu hỏi, ảnh hưởng đến điểm số cuối cùng.

  • Điểm số 6.5 – 7.0 có phải là đích đến cuối cùng?

Nhiều người cho rằng một khi đã đạt được mức điểm 6.5 – 7.0, họ không cần phải tiếp tục cải thiện thêm nữa do đây đã là điểm số đủ để đi du học hoặc định cư ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm vì nhiều lý do sau.

Thứ nhất, ngôn ngữ cần phải được phát triển liên tục. Ngôn ngữ, giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, cần phải được rèn luyện và cải thiện liên tục. Việc đạt được điểm 6.5 – 7.0 chỉ là một bước trên hành trình học tập, và nếu không tiếp tục rèn luyện, khả năng sử dụng ngôn ngữ có thể bị mai một. Chính vì vậy, thời hạn 2 năm cho 1 chứng chỉ IELTS là đúng đắn.

Thứ hai, khả năng ngôn ngữ sẽ được yêu cầu cao hơn trong môi trường học tập và làm việc quốc tế. Khi người học muốn tiến xa trong sự nghiệp hoặc học tập, các yêu cầu về ngôn ngữ chắc chắn sẽ nâng cao. Việc chỉ dừng lại ở mức điểm này có thể khiến người học không đủ năng lực để đối mặt với các tình huống đòi hỏi việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp hơn trong tương lai.

Tóm lại, Ngay cả khi đạt được mức điểm 6.5 – 7.0, việc tiếp tục học hỏi và cải thiện là điều cần thiết để duy trì và nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Điều này không chỉ giúp người học tự tin hơn trong môi trường học tập và làm việc mà còn mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog liên quan