Tận Dụng Tài Liệu Listening Cambridge Hiệu Quả

thuha

67 lượt xem

02/11/24

Việc học IELTS Listening không chỉ dừng lại ở việc làm đi làm lại các đề Cambridge, mà quan trọng hơn là cách bạn rút kinh nghiệm và học từ những lỗi sai. Dưới đây là những phương pháp bạn nên áp dụng để tối ưu hóa quá trình luyện nghe của mình và tránh việc “học hoài không tiến bộ”. 

Nếu không tuân theo các bước này, bạn có thể mắc phải các lỗi lặp đi lặp lại mà không cải thiện được điểm số. Đây cũng là một hiện tượng hay gặp ở nhiều thí sinh, khi học và luyện đề cả tháng trời nhưng điểm số không tiến bộ.

1. Làm bài thi thử như thi thật

Khi bạn ngồi vào làm bài, hãy tạo không khí giống như thi thật: không pause, không tua lại, và hoàn thành bài trong thời gian quy định. Điều này không chỉ giúp bạn quen với thời gian làm bài, mà còn cải thiện khả năng tập trung. Nếu bạn thi máy, hãy làm bài trên máy, nếu thi giấy, hãy in tài liệu ra và làm như trong phòng thi. Việc này giúp bạn làm quen với điều kiện thi thật, tránh những bất ngờ không đáng có.

Ngược lại, nếu bạn thường xuyên pause, tua lại hay làm bài theo kiểu “dễ dãi”, bạn sẽ không quen với áp lực thi thật. Điều này có thể dẫn đến việc bạn mất bình tĩnh khi thi, dễ bỏ lỡ thông tin hoặc không theo kịp tốc độ bài nghe trong phòng thi.

2. Kiểm tra và phân tích lỗi sai

Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định tính thành công của việc luyện đề. Sau khi hoàn thành bài nghe, đừng chỉ nhìn điểm số mà bỏ qua việc phân tích lỗi sai. Hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn sai: Bạn có bỏ lỡ từ khóa? Hay không theo kịp thông tin? Nghe nhầm vì phát âm? Ghi chú lại các lỗi này sẽ giúp bạn ý thức được những điểm yếu cá nhân và có kế hoạch cải thiện chúng.

Nếu không phân tích lỗi, bạn sẽ dễ lặp lại cùng một sai lầm trong những lần nghe sau, dẫn đến việc không tiến bộ. Điều này sẽ gây lãng phí thời gian và làm giảm sự tự tin trong các bài thi tiếp theo.

3. Sử dụng transcript thông minh

Transcript chính là “vũ khí bí mật” giúp bạn cải thiện khả năng nghe một cách hiệu quả. Sau khi kiểm tra đáp án, hãy mở transcript và nghe lại những phần bạn sai. Đối chiếu transcript giúp bạn nhận ra mình đã bỏ lỡ từ nào, không nghe rõ âm nào, và giúp bạn cải thiện khả năng nắm bắt thông tin nhanh chóng.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể học transcript từ trước khi nghe để bổ sung từ vựng. Đây cũng là một phương pháp phù hợp cho các bạn cần cải thiện vốn từ hoặc còn yếu từ vựng. 

4. Tối ưu bài tập của Cambridge

Hiện nay chúng ta có nhiều cách để sử dụng tài liệu Cambridge ngoài việc luyện đề lặp đi lặp lại. Người học có thể dùng audio của Cambridge để luyện nghe chép chính tả, shadowing, hoặc đơn thuần là nghe bị động để làm quen với âm sắc của ngôn ngữ.

Những dạng luyện tập này ngoài việc giúp bạn cải thiện đa dạng các yếu tố, chúng cũng giúp cho việc học đỡ nhàm chán và lặp lại, từ đó tạo ra trải nghiệm tốt hơn khi học.

Các bạn có thể tham khảo các link sau để lấy audio và luyện tập thêm:

https://dailydictation.com/exercises/ielts-listening

https://ieltsxuanphi.edu.vn/tai-lieu-nghe-chep-chinh-ta-basic/

https://ieltstrainingonline.com/cambridge-practice-tests-for-ielts-listening/

5. Luyện tập hàng ngày với nguồn ngoài Cambridge

Ý này nghe qua thì có vẻ hơi kỳ, nhưng thực tế cho thấy các học viên được điểm Listening cao đa phần đều có tiếp xúc nhiều với các nguồn tài liệu ngoài Cambridge. Điều này là bởi việc luyện nghe tiếng Anh từ các nguồn như podcast, bản tin tiếng Anh, hoặc video trên Youtube cũng rất hiệu quả cho người học khi nó “expose” người học tới các âm ngữ khác nhau, các cách diễn đạt phổ thông trong cuộc sống và các tình huống đa dạng. 

Qua thời gian, việc này sẽ giúp người học hình thành phản xạ ngôn ngữ tốt hơn, nắm được ngôn ngữ đa dạng hơn, từ đó phục vụ cho việc làm bài thi tốt hơn.

*Ngoài ra, việc nghe các nguồn ngoài cũng giúp các bạn làm quen với các “accent” khác nhau, bởi ngay cả trong IELTS, không phải lúc nào cũng là những accent quen thuộc như Anh – Anh hay Anh – Mỹ.

Tóm lại, việc luyện tập IELTS Listening không chỉ đơn thuần là làm bài nghe nhiều lần mà quan trọng là bạn cần có chiến lược rõ ràng để rút kinh nghiệm và cải thiện từng ngày. Nếu không tuân thủ các bước này, bạn sẽ dễ bị mắc kẹt trong việc luyện thi mà không thấy sự tiến bộ, thậm chí cảm thấy chán nản và mất động lực. 

Hãy áp dụng những phương pháp trên một cách kiên nhẫn, và bạn sẽ thấy rõ sự thay đổi trong kỹ năng của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog liên quan