Cải thiện kỹ năng Listening thông qua luyện tập kỹ thuật Shadowing

thuha

95 lượt xem

26/03/24

Kỹ năng Listening là một kỹ năng quan trọng, cần được luyện tập thường xuyên để có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc luyện nghe đối với một bộ phận người học là không hề dễ dàng vì nhiều lí do liên quan đến thói quen nghe, tài liệu nghe, các đặc điểm ngữ âm và ngữ pháp xuất hiện trong nguồn nghe. Trong bài viết này, IELTS Lab sẽ giới thiệu cho người học kỹ thuật Shadowing – một kỹ thuật luyện nghe-nói phổ biến – nhằm giúp người học cải thiện khả năng nghe hiểu một cách hiệu quả.

Phương pháp Bottom-up 

Trong quá trình nghe, con người sử dụng cả tư duy top-down và bottom-up để xử lý thông tin thu nhận được (Van-dergrift & Goh, 2012). Trong đó, con người sử dụng ngữ cảnh và kiến thức nền theo hướng top-down để hiểu được thông điệp được truyền tải, còn tư duy bottom-up được thể hiện ở việc người nghe chia nhỏ thông tin thu nhận được ra thành những đơn vị nhỏ mang nghĩa (từ âm tiết đến từ/ cụm từ) để xử lý và phân tích nội dung của bài nghe. 

Đối với việc học ngoại ngữ, phương pháp bottom-up đã được chứng minh là có hiệu quả lớn đối với khả năng nghe hiểu của người học ở trình độ thấp (Khuziakhmetova & Porcheskub, 2016). Người học với năng lực nghe hiểu ở trình độ thấp thường gặp khó khăn trong việc nghe phân tách âm, từ và cụm từ, dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc nghe hiểu trọn vẹn thông điệp được tuyền tải. Để bù đắp cho những yếu điểm này, người học thường dùng năng lực xử lý top-down để suy luận ra nội dung của bài nghe. Tuy nhiên, lệ thuộc vào ngữ cảnh và dự đoán thông tin khiến cho sự phát triển khả năng nghe hiểu của người học bị hạn chế nhiều.

Kỹ thuật Shadowing

Một trong những kỹ thuật được sử dụng rộng rãi để cải thiện năng lực nghe bottom-up, nghe và nhận diện âm, nhận diện từ là kỹ thuật Shadowing (kỹ thuật nhại lại). Kỹ thuật Shadowing lần đầu được áp dụng vào giảng dạy ngoại ngữ và cải thiện khả năng nghe bottom-up bởi nhà nghiên cứu Nhật Bản Tamai vào năm 1992. 

Trong kỹ thuật này, người học sẽ tiếp nhận thông tin nghe được và đồng thời nhại lại nội dung một cách rõ ràng nhất có thể. Thời gian giữa việc nghe và nhại lại là rất ít, vì vậy cần phân biệt kỹ thuật nhại lại với kỹ thuật nhắc lại (repetition). Shadowing hướng người học tập trung vào khía cạnh âm vị học, từ đó khuyến khích người học nhại lại âm thanh nghe được thay vì tập trung vào thông điệp đang được truyền tải. Luyện tập kỹ thuật này sẽ giúp người học cải thiện khả năng nghe bottom-up và sự nhạy bén trong quá trình nghe hiểu.

Các kỹ thuật Shadowing thông dụng

Dựa trên nghiên cứu của Hamada (2018), IELTS Lab sẽ giới thiệu đến người học 3 kỹ thuật Shadowing có thể được áp dụng trong quá trình luyện tập kỹ năng nghe:

1. Complete Shadowing (Nhại lại toàn bộ)

Nhại lại toàn bộ nội dung nghe được được coi là loại hình Shadowing cơ bản nhất. Phương pháp này hướng người học đến việc nhại lại từng từ riêng lẻ, sao cho rõ ràng và sát với đoạn ghi âm nhất có thể. Do đó, giúp người nghe cải thiện khả năng nhận diện âm, mở rộng từ vựng và nghe hiểu chi tiết. 

Tuy nhiên, ở loại hình Shadowing này, sự phân tích về ngữ nghĩa và cú pháp câu sẽ ít có khả năng xảy ra hơn vì người nghe sẽ nhại lại toàn bộ nội dung một cách bị động. Chính vì vậy, một hình thức Shadowing khác cũng thường được áp dụng.

2. Selective Shadowing (Nhại lại có chọn lọc)

Ở loại hình Shadowing này, người học sẽ chỉ nhại lại từ hoặc cụm từ nhất định, ví dụ chỉ nhại lại từ mang nội dung (content word) hay keyword (từ khóa chứa đáp án). Khi nhại lại có chọn lọc, người nghe sẽ tập trung vào nghe nhận diện từ, và các quá trình phân tích từ/ cụm từ về mặt ngữ nghĩa, cú pháp sẽ xảy ra thường xuyên hơn, dẫn đến khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn.

3. Text-presented Shadowing (Nhại lại với văn bản)

Nhại lại với văn bản là khi người nghe nhại lại đoạn ghi âm với sự trợ giúp của transcript (kịch bản ghi âm). Trong quá trình này, người nghe sẽ vừa phải tập trung vào âm thanh, ý nghĩa và chữ cái trong văn bản, từ đó cải thiện khả năng nghe và hiểu nội dung được nghe, đồng thời tăng cường tốc độ đọc cho kỹ năng Đọc. 

Các bước áp dụng Shadowing trong luyện tập kỹ năng Nghe

IELTS Lab sẽ giới thiệu đến người đọc các bước áp dụng kỹ năng Shadowing trong luyện tập kỹ năng Nghe.

Bước 1: Chọn tài liệu nghe

Người học cần chọn tài liệu luyện nghe từ các nguồn uy tín với giọng và tốc độ nói của người bản xứ như TED Talk, TED Ed, Voice of America, BBC English, … để luyện tập tại nhà.

Ngoài ra, các chương trình podcast với những audio tiếng Anh ngắn và dễ hiểu có thể được lựa chọn để luyện tập cho các bạn có trình độ nghe ở mức yếu hơn.

Bước 2: Nghe toàn bộ audio 1-2 lần

Sau khi đã chọn được tài liệu nghe, người nghe sẽ nghe trước 1-2 lần để làm quen với audio và nội dung bài nghe. Người tự học có thể kết hợp nghiên cứu kịch bản nghe trong quá trình nghe để học từ mới và hiểu rõ hơn về nội dung trước khi thực hành kỹ thuật Shadowing.

Bước 3: Nhại theo audio 

Người nghe bắt đầu quá trình vừa nghe vừa nhại theo audio. Đối với người mới bắt đầu, có thể áp dụng hình thức nhại theo với kịch bản. Người nghe có kinh nghiệm có thể luyện Shadowing chọn lọc trước khi Shadowing toàn bộ nội dung nghe.

Bước 4: Luyện tập hàng ngày

Việc luyện tập Shadowing đòi hỏi một sự nỗ lực hàng ngày của người học. Thoạt đầu, nó trông có vẻ là sẽ tốn nhiều công sức của bạn, nhưng đối với những người ủng hộ phương pháp này, họ cho rằng nhờ nó mà việc học một ngôn ngữ nói chung trở nên nhanh chóng hơn nhiều.

Shadowing có thể được sử dụng như một phương pháp kết hợp với các phương pháp khác, như viết nhật ký để luyện viết hoặc sử dụng các ứng dụng luyện nghe nói tiếng Anh trên điện thoại để học ngữ pháp và từ vựng. Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm khi học một ngôn ngữ mới là hãy thử nhiều phương pháp trước khi tìm ra và áp dụng những phương pháp phù hợp nhất với bạn. IELTS Lab chúc bạn học tập hiệu quả và cải thiện kỹ năng Nghe một cách nhanh chóng.

Tài liệu tham khảo:

Hamada, Y. (2019). Shadowing: What is It? How to Use It. Where Will It Go? RELC Journal, 50(3), 386-393.

Murphey T (2001). Exploring conversational shadowing. Language Teaching Research 5(2): 128–55.

Tamai K (1992). Follow-up no chokairyoku kojo ni oyobosu koka oyobi ‘follow-up’ noryoku to chokairyoku no kankei. dai 4 kai ‘Eiken’ kenkyu josei hokoku [The effect of follow-up on listening comprehension]. STEP Bulletin 4: 48–62.

Vandergrift L, Goh C (2012). Teaching and Learning Second Language Listening. New York: Routledge.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog liên quan